Những vai diễn điện ảnh đầy nước mắt của NSƯT Hoài Linh.
Dù nổi tiếng là một danh hài mang đến tiếng cười cho bao thế hệ khán giả, NSƯT Hoài Linh cũng sở hữu không ít vai diễn nội tâm cảm xúc.
Có lẽ, ai cũng từng ít nhất một lần đã xem qua các clip hài của NSƯT Hoài Linh. Anh là cái tên gắn bó lâu năm trên màn ảnh nhỏ và mang đến nhiều tiếng cười cho các thế hệ người xem. Thế nhưng, ít ai biết rằng anh cũng từng có những vai diễn vô cùng cảm xúc và sâu lắng, khiến khán giả phải òa khóc.
Nắng (2016)
Nắng của đạo diễn Đồng Đăng Giao là câu chuyện về người mẹ thiểu năng tên Mưa (Thu Trang) và cô con gái nhỏ tên Nắng (Kim Thư). Cả hai vất vả mưu sinh bằng nghề bán vé số, lượm ve chai. Trái ngược với người mẹ khờ khạo, ngờ nghệch là cô con gái thông minh, lém lỉnh. Thế nhưng, những biến cố ập đến khiến số phận cả hai rẽ sang một hướng khác.
Dù quy tụ nhiều cái tên trong làng hài như Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Tiến Luật, NSƯT Hoài Linh…, Nắng lại là một bộ phim đong đầy cảm xúc và có nhiều đoạn khiến khán giả bật khóc. Trong đó, NSƯT Hoài Linh vào vai ông Ba – một chủ tiệm hủ tiếu vì thương hoàn cảnh của hai mẹ con mà thường xuyên để dành phần ăn cho.
Khi Mưa gặp nạn, ông Ba cũng là một trong những người đứng ra chăm sóc Nắng, cùng cô bé đi kêu oan, tìm cách giải cứu mẹ. Vai diễn khiến khán giả bất ngờ vì không biết rằng NSƯT Hoài Linh đóng vai bi cũng ấn tượng đến thế.
Dạ Cổ Hoài Lang (2017)
Dựa trên vở kịch nổi tiếng cùng tên, Dạ Cổ Hoài Lang xoay quanh Tư Lành (NSƯT Hoài Linh) và Năm Triều (cố nghệ sĩ Chí Tài). Cả hai là đôi thân từ khi còn bé ở chung một làng đến lúc trưởng thành. Về già, họ cùng theo con cháu sang Mỹ sinh sống và đều phải đối mặt với sự cô đơn, hiu quạnh cùng nỗi nhớ nhà da diết. Phim tập trung xoay quanh buổi đám dỗ của vợ Tư Lành – người cũng là bạn thân của cả hai từ bé. Từ đó mà họ có dịp cùng trải lòng mình.
Dù có một số tiếng cười nhẹ nhàng, màu sắc chung của Dạ Cổ Hoài Lang là nỗi buồn của những người già xa xứ. Tư Lành và Năm Triều qua Mỹ để ở gần các con nhưng cuối cùng vẫn cô độc. Con cái thì đi làm cả ngày, thế hệ cháu mải mê công nghệ, hiếm khi trò chuyện với ông. Khoảng cách thế hệ, khác biệt văn hóa ngày một xa, cùng nỗi nhớ quê hương càng khiến Tư Lành và Năm Triều thêm đau lòng.
Vốn từng sống ở hải ngoại, NSƯT Hoài Linh và cố nghệ sĩ Chí Tài đều có màn thể hiện tâm trạng nhân vật xuất sắc. Cả hai cùng từng không ít lần kết hợp trong các tiểu phẩm với nhau nên đã tung hứng vô cùng mượt mà, khiến người xem phải rơi lệ cho số phận của nhân vật.
Làm Giàu Với Ma (2024)
Sau nhiều năm, NSƯT Hoài Linh lại có một vai diễn đẫm nước mắt khác với Làm Giàu Với Ma. Lần này, anh vào vai ông Đạo làm nghề đạo tỳ. Vợ mất sớm, ông “gà trống nuôi con”, chăm sóc Lanh (Tuấn Trần) khôn lớn. Thế nhưng, vì lý do gì đó mà Lanh bỗng từ một đứa ngoan hiền, sáng đi làm, tối đi học bổ túc để lấy tấm bằng cấp ba lại trở nên đổ đốn, ham mê bộ môn đá gà. Anh chàng còn bất chấp bỏ học, bỏ làm chỉ để kiếm thật nhiều tiền qua giao kèo với ma.
Diễn xuất của NSƯT Hoài Linh trong phim không chỉ cho thấy sự đau khổ, bất lực của người cha khi chứng kiến con trai ngày càng hư đồn mà còn là tình yêu thương vô bờ bến dành cho Lanh. Trong lòng ông Đạo lúc nào cũng giằng xé bởi cơn giận và cảm xúc. Đằng sau những trận đòn roi, những lời la mắng đứa con bất trị là nỗi buồn trong lòng gấp nhiều lần. Nếu Lanh đau một thì ông Đạo đau mười.
Hình ảnh gương mặt thất thần, gục ngã của nhân vật khi chứng kiến con trai sa ngã sẽ khiến nhiều người phải òa khóc. Có lẽ, chỉ khi làm cha mẹ rồi thì ta mới hiểu được những cảm xúc ngổn ngang, vụn vỡ trong lòng ông Đạo. Để rồi dù có ra sao, ông vẫn yêu thương, nguyện hy sinh vì cậu con trai, bởi lẽ: “Ước mơ của cha chính là con đó!”
Làm Giàu Với Ma chắc chắn là một bộ phim tràn ngập cảm xúc để cả gia đình có dịp quây quần bên nhau trong lễ 02.09 này. Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/
Diễn xuất của NSƯT Hoài Linh trong phim không chỉ cho thấy sự đau khổ, bất lực của người cha khi chứng kiến con trai ngày càng hư đồn mà còn là tình yêu thương vô bờ bến dành cho Lanh. Trong lòng ông Đạo lúc nào cũng giằng xé bởi cơn giận và cảm xúc. Đằng sau những trận đòn roi, những lời la mắng đứa con bất trị là nỗi buồn trong lòng gấp nhiều lần. Nếu Lanh đau một thì ông Đạo đau mười.Hình ảnh gương mặt thất thần, gục ngã của nhân vật khi chứng kiến con trai sa ngã sẽ khiến nhiều người phải òa khóc. Có lẽ, chỉ khi làm cha mẹ rồi thì ta mới hiểu được những cảm xúc ngổn ngang, vụn vỡ trong lòng ông Đạo. Để rồi dù có ra sao, ông vẫn yêu thương, nguyện hy sinh vì cậu con trai, bởi lẽ: “Ước mơ của cha chính là con đó!”